Để kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 26 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 21/12/2015 vừa qua, Công Đoàn và Đoàn Thanh niên Khoa Luật, ĐHQGHN đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu giữa các cựu chiến binh - đồng thời cũng là các thầy cô trong Khoa với các bạn sinh viên.
Buổi gặp mặt đầm ấm này là dịp để các thế hệ cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, oanh liệt của quân đội, nhân dân ta và đặc biệt là ôn lại kỷ niệm của các thầy cô – những người lính trên chiến trường năm xưa. Đây đồng thời là lời tri ân của Khoa đến các thầy cô, những người cựu chiến binh, đã cống hiến một phần tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc.
Đến dự buổi gặp mặt, TS. Trịnh Tiến Việt, Phó Bí thư Đảng ủy phát biểu: “Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 26 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, thay mặt cho Đảng ủy, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và tri ân đến các thầy cô, các đồng chí cựu chiến binh, những người đã tham gia trong quân đội và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong thời bình này, mong các thầy cô và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục đóng góp nhiều hơn trên phương diện khoa học, đào tạo và ngày càng phát huy hơn nữa những đức tính tốt của bộ đội cụ Hồ”.
TS. Trịnh Tiến Việt, Phó chủ nhiệm Khoa thay mặt cho Đảng ủy Khoa Luật
phát biểu chúc sức khỏe đến các thầy cô – những cựu chiến binh
Đồng chí Đỗ Thị Bích Nguyệt, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn chia sẻ trong buổi gặp mặt
Đồng chí Đỗ Thị Bích Nguyệt, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn chia sẻ: “Chúng ta hiếm thấy ở một quốc gia nào, đất nước và dân tộc nào mà người lính lại được toàn dân tin yêu, mến phục, người lính trở thành một biểu tượng của nhân cách cao đẹp như bộ đội cụ Hồ ở Việt Nam. Ngay từ khi tôi là học sinh của trường cấp 3 Lê Hồng Phong, đề tài anh bộ đội cụ Hồ đã lấy của tôi rất nhiều cảm xúc, thời gian. Tuy tôi không được tham gia vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các anh bộ đội cụ Hồ bằng xương bằng thịt, nhưng văn học Việt Nam đã cuốn tôi đi với rất nhiều những cảm xúc ngưỡng mộ, kính trọng với hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ”.
Trong buổi giao lưu, các thầy cô đồng thời cũng là những cựu chiến binh đã có những chia sẻ vô cùng xúc động với thế hệ trẻ - các bạn sinh viên Khoa Luật.
PGS.TS. Bùi Xuân Đức, giảng viên Bộ môn Luật Hiến pháp – Hành chính chia sẻ: “Những người lính chúng tôi quan niệm rằng, trong cuộc đời này có rất nhiều thứ tình, nhưng chỉ có hai thứ tình cảm chân thật nhất là tình học trò và tình đồng đội – những người cùng nhau chiến đấu. Tôi được gọi nhập ngũ vào năm lớp 12, được huấn luyện trong thời gian rất ngắn sau đó vào chiến đấu trong thời kỳ hoa lửa Quảng Trị. Tôi khuyên các em đừng lo sợ gì cả, các thầy đã từng chiến đấu và bị thương những vẫn có thể quay về thi đại học, được học bổng Lê-nin và ra nước ngoài học tập. Các em phải nhìn vào đó, để nỗ lực vươn lên, vì đất nước có nhiều người giỏi thì mới là đất nước mạnh và được nể trọng”.
Khi nói đến người lính chúng ta hay nhắc đến chủ nghĩa anh hùng và người lính nào cũng mong muốn mình trở thành anh hùng. Rất nhiều người mà đặc biệt là thế hệ trẻ nghĩ rằng anh hùng là phải gang thép, cứng rắn, nhưng PGS.TS Ngô Huy Cương, Trưởng Bộ môn Dân sự đã cho các bạn sinh viên thấy một khía cạnh khác của người lính – những người anh hùng trong thời chiến thông qua chia sẻ của mình.
Thầy nói: “Tôi sẽ tiết lộ một điều bí mật, người anh hùng thực chất là những người có tình cảm sâu nặng và nồng nàn nhất với đất nước và nhân dân. Người có thể cứu ta chính là mẹ, vì nếu không phải người yêu thương ta nhất thì không bao giờ dám hi sinh vì ta. Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ những người anh hùng là những người khô khan. Tôi thấy tình cảm đối với nhân dân, quê hương đất nước mới là điều quan trọng nhất, là nền tảng thực sự của chủ nghĩa anh hùng. Tôi đã gặp những người anh hùng thực sự trong chiến đấu, họ có thể quên đi cái chết để chiến đấu nhưng lại khóc rất nhiều khi nhìn thấy đồng đội của mình hi sinh, khi đất nước và nhân dân phải chịu tổn thất”.
PGS.TS. Ngô Huy Cương cũng mong rằng các bạn sinh viên có được những tình cảm thật sự với quê hương đất nước, dân tộc và với chính nền công lý của Việt Nam, như vậy, các bạn mới có thể tự thúc đẩy bản thân mình trở thành những người anh hùng trong thời bình, cống hiến cho đất nước.
ThS. Trần Trí Trung, giảng viên Bộ môn Luật Kinh doanh chia sẻ: “ Tuy không sống trong thời chiến, nhưng qua những câu chuyện, kỷ niệm mà các thầy chia sẻ ngày hôm nay các bạn trẻ có thể tự rèn luyện bản thân, noi theo truyền thống của những người đi trước. Để những ngày quốc phòng toàn dân thực sự là ngày trao truyền, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, bản lĩnh, phẩm chất của người lính cụ Hồ, để mọi người có thể xây dựng, bảo vệ đất nước tốt hơn. Trong từng nắm đất, từng hơi thở đều có hồn vía, xương máu của tiền nhân. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn những giá trị của Việt Nam mà các tiền nhân đã để lại”.
Buổi gặp mặt đã kết thúc trong không khí vui vẻ, đầm ấm qua phần giao lưu văn nghệ giữa các thầy cô và các bạn sinh viên Khoa Luật.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn