Nghiên cứu sinh Mai Thanh Hiếu bảo vệ thành công đề tài luận án Tiến sĩ

6/6/7 phiếu xuất sắc là kết quả của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Mai Thanh Hiếu được tổ chức ngày 6/11/2015 vừa qua với đề tài: "Hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam", chuyên ngành: Luật Hình sự, mã số: 60380104 do GS.TSKH Lê Văn Cảm làm chủ tịch.

Với bố cục gồm 4 chương: Thứ nhất, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, thứ hai, những vấn đề lý luận về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị trong tố tụng hình sự, thứ ba, pháp luật tố tụng hình sự về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và hiệu lực thi hành, thứ tư,  yêu cầu và giải pháp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam, nghiên cứu sinh đã khái quát đầy đủ tình hình trong và ngoài nước, các vấn đề liên quan đến đề tài, các phân tích, lý giải đưa ra có tính hệ thống, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, có tính tranh luận khoa học cao. 

Tổng hợp ý kiến nhận xét của 4 nhà khoa học không là thành viên phản biện của Hội đồng, 4 cơ quan, 12 cá nhân nhà khoa học cho rằng đề tài của nghiên cứu sinh Mai Thanh Hiếu góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, đặc biệt là cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Luận án đã đáp ứng được yêu cầu của đề tài tiến sĩ luật học, các phương pháp nghiên cứu đảm bảo tin cậy cao với hơn 200 trích dẫn. Tóm tắt phản ánh trung thực nội dung của luận án, các công trình khoa học đã công bố có nội dung phù hợp với đề tài.

Nhận xét của phản biện Hội đồng đưa ra cũng có sự đồng thuận cao, cụ thể như sau:

PGS.TS. Trần Văn Độ - phản biện Hội đồng nhận xét đề tài là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu toàn diện về góc độ lý luận cũng như thực tiễn một vấn đề rất hẹp liên quan đến thủ tục phúc thẩm hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam. Trong luận án, nghiên cứu sinh đã xây dựng được hệ thống lý luận liên quan đến đề tài như: Khái niệm về hiệu lực kháng cáo, kháng nghị cũng như đưa ra cơ sở, điều kiện, nội dung và ý nghĩa của hiệu lực kháng cáo, kháng nghị. Luận án có những đánh giá tương đối sâu sắc, chính xác kết quả xét sử phúc thẩm, từ đó tìm ra những hạn chế và nguyên nhân. Để đưa ra các giải pháp hữu hiệu, khả thi, nghiên cứu sinh đã phân tích được yêu cầu chiến lược cải cách tư pháp đang thực hiện ở Việt Nam, yêu cầu thực hiện các quy định của Hiến pháp 2013.

PG.TS. Nguyễn Xuân Yêm - phản biện Hội đồng cũng cho rằng nghiên cứu của luận án có giá trị góp phần hoàn thiện lý luận khoa học luật, đồng thời về mặt thực tiễn có giá trị nâng cao hiệu lực hoạt động thi hành pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo các quyền công dân trong tố tụng hình sự. 

Hội đồng đưa ra những định hướng nghiên cứu sâu hơn cho nghiên cứu sinh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Quyết nghị của Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ thống nhất đồng ý thông qua luận án, nghiên cứu sinh Mai Thanh Hiếu xứng đáng được công nhận học vị Tiến sĩ.

Một số hình ảnh của buổi bảo vệ Luận án: