Sửa đổi BLHS và BLTTHS Việt Nam tăng cường bảo vệ các quyền con người

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Khoa Luật, ĐHQGHN tổ chức diễn ra vào ngày 29/8/2015, dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS Trịnh Quốc Toản-Q.Chủ nhiệm Khoa và GS.TSKH Lê Văn Cảm.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Khoa, các NCS của Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trịnh Quốc Toản cho biết, theo chủ trương của Nhà nước, năm 2015, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam sẽ được sửa đổi. Dự thảo sửa đổi của các bộ luật này đã được chỉnh lý nhiều lần và đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Tuy nhiên, do phạm vi của buổi Hội thảo, chỉ tập trung ý kiến sửa đổi Bộ luật hình sự. Kết quả Hội thảo đóng vai trò quan trọng trong việc ý kiến hoàn thiện Bộ luật. Những bài viết tham luận, những ý kiến quý báu đóng góp trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành có ý nghĩa thực tiễn khi bộ luật được thực thi vào đời sống xã hội. PGS mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học là những người đang trực tiếp tham gia sửa đổi Bộ luật Hình sự, với tư cách là thành viên của ban ở các vị trí khác nhau sẽ là những người tạo cho buổi Hội thảo hôm nay thành công tốt đẹp.

Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã trình bày một số tham luận, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam trên các phương diện khác nhau.

Đề cập đến việc Hoàn thiện chế định tội phạm trong phần chung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi tháng 5/2015) theo định hướng tăng cường hơn nữa việc bảo vệ các quyền con người, GS.TSKH Lê Văn Cảm cho thấy 3 điểm ưu việt lớn có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn quan trọng được đánh giá cao. Theo GS, những ưu việt này đã góp phần làm sâu sắc xu hướng nhân đạo hóa PLHS quốc gia theo định hướng tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền con người. Đây là lần đầu tiên kể từ khi pháp điển hóa PLHS Việt Nam lần thứ nhất với việc thông qua BLHS năm 1985 đến nay các nhà làm luật đã đưa chế định phân loại tội phạm với tư cách là một chế định riêng độc lập; đã khắc phục được sự bất hợp lí và phi khoa học đã tồn tại suốt mấy chục năm qua; đã phi tội phạm hóa hành vi che dấu tội phạm cho nhau của những người thân thích gần. Bên cạnh những ưu điểm lớn GS cũng đã chia sẻ những tồn tại hiện có của PLHS Việt Nam hiện hành.

Trong tham luận Sửa đổi chế định phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống tội phạm, TS. Trịnh Tiến Việt cũng đã đưa ra những kiến nghị sửa đổi quy định của BLHS Việt Nam hiện hành và chế định phòng vệ chính đáng, như tán thành ý kiến của dự thảo là chuyển việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phòng vệ lên trước, sau mới đến của người khác, đồng thời gộp chung của tổ chức và của Nhà nước thành của "cơ quan, tổ chức" cho phù hợp với thực tiễn; để phòng ngừa, chống các tội phạm xâm phạm tự do, an ninh cá nhân của con người như tội giết người, tội cố ý gây thương tích,... thì nên quy định các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, không để người phòng vệ chính đáng phải lo ngại trước sự phán xét của pháp luật;...

Còn theo GS.TS Đỗ Ngọc Quang cũng đã chỉ ra những bất cập trong việc bảo vệ quyền con người trong áp dụng hình phạt trục xuất trong Luật hình sự, GS cho rằng cần phải hoàn thiện các quy định đối với hình phạt trục xuất có liên quan đến bảo vệ quyền con người theo những hướng như; thứ nhất, chỉ quy định trục xuất là hình phạt chính mà không quy định trục xuất là hình phạt bổ sung vì nếu quy định là hình phạt bổ sung sẽ làm mất đi tính cấp bách của việc áp dụng hình phạt trục xuất; bổ sung những điều kiện áp dụng hình phạt trục xuất như độ tuổi của người nước ngoài phạm tội; không áp dụng hình phạt trục xuất đối với người không quốc tịch, nhất là đối với người gốc Việt Nam không có quốc tịch ở bất kì quốc gia nào; thứ hai, người bị áp dụng hình phạt trục xuất được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; thứ ba, khi bản án trục xuất có hiệu lực pháp luật, người bị áp dụng hình phạt trục xuất có quyền khiếu nại đối với bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm,...; thứ 4, người bị áp dụng hình phạt trục xuất có quyền chuyển nhượng tài sản hợp pháp của mình cho người khác, được quyền mang theo những tài sản của mình về nước, có các quyền khác liên quan đến thừa kế tài sản,...

Hội thảo Sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam tăng cường bảo vệ các quyền con người, đã thành công tốt đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả tích cực,  các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, những ý kiến này rất thiết thực cần chuyển tới cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự. PGS cho rằng, buổi Hội thảo đã khép lại nhưng còn  nhiều tham luận chưa được trình bày, nhiều ý kiến chưa được bày tỏ vì quỹ thời gian không cho phép. PGS mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp trực tiếp tới Ban tổ chức Hội thảo để tổng hợp gửi tới Ban soạn thảo Sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam.