Ngày 21/11 vừa qua, tại Nhà khách Trung ương, số 8 Chu Văn An, Hà Nội, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức chương trình hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật tiếp cận thông tin”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội – PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ tịch PPWG – ông Lê Quang Bình tham gia chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận về Luật tiếp cận thông tin - đại diện tiêu biểu cho quyền con người, sẽ đi vào đời sống và đến với người dân như thế nào, cũng như Luật sẽ cần phải sửa đổi bổ sung những gì để đảm bảo tương thích với luật pháp hiện hành của Việt Nam và luật pháp Quốc tế về quyền con người.
Trong hội thảo lần này, các đại biểu của Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã chỉ ra những điểm chưa hợp lý về mặt lập pháp và đưa ra những ý kiến đóng góp hết sức quan trọng để dự thảo Luật tiếp cận thông tin được hoàn thiện hơn.
PGS.TS Vũ Công Giao - Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính đã có bài tham luận “Phân tích, so sánh dự thảo Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam với các tiêu chuẩn phổ biến về Luật tiếp cận thông tin trên thế giới”.
PGS.TS. Vũ Công Giao phát biểu tham luận trong buổi hội thảo
Trong tham luận, PGS.TS Vũ Công Giao đánh giá Luật tiếp cận thông tin của nước ta đã khá đầy đủ, toàn diện, cấu phần được sắp xếp khá hợp lý nhưng vẫn còn một số hạn chế cần sửa đổi, tiêu biểu như: Luật cho công dân quyền được tiếp cận thông tin nhưng lại không cho họ xử lý thông tin; Điều 1 khoản 1, loại trừ các cơ quan báo chí khỏi phạm vi sử dụng Luật… Theo Phó giáo sư “Nếu có Luật báo chí riêng thì đây vẫn là Luật nền tảng cho báo chí hoạt động” nên điều khoản này không hợp lý và hoàn toàn khác với Luật tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới. Để kết thúc bài tham luận của mình PGS.TS Vũ Công Giao đưa ra bản đánh giá của chuyên gia nước ngoài về dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam. Bản đánh giá cho thấy Luật của chúng ta chỉ đứng thứ 93 trên tổng 102 Luật tiếp cận thông tin hiện hành và sẽ là một trong 10 Luật tiếp cận thông tin yếu nhất nếu chúng ta không tìm cách cải thiện nó.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung – Khoa Luật , ĐHQG Hà Nội cũng có bài “Trao đổi về một số nội dung dự thảo Luật tiếp cận thông tin từ kết quả chuyến thăm nghiên cứu Luật về quyền thông tin của Ấn Độ”.
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung trao đổi về nội dung dự thảo Luật tiếp cận thông tin
Qua bài trao đổi, Giáo sư đã phác họa quá trình hình thành, phát triển 1 đạo luật mẫu về tiếp cận thông tin của 1 quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong quá trình xây dựng luật. GS.TS Nguyễn Đăng Dung cũng cho thấy Ấn Độ cũng đã gặp phải tất cả những vấn đề của chúng ta trong quá trình xây dựng Luật tiếp cận thông tin, nhưng họ đều đề ra được phương án giải quyết hết sức khả thi, đem lại kinh nghiệm vô cùng thực tiễn cho nước ta. Sau những so sánh thú vị về quá trình hình thành Luật tiếp cận thông tin giữa Ấn Độ và Việt Nam, giáo sư đã đưa ra kết luận: “ Chúng ta cần có động lực, sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa từ các vị đại biểu Quốc hội để có thể cho ra đời Luật tiếp cận thông tin có nội dung phù hợp với điều kiện của nước ta.”
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã nêu lên một số thách thức trong đảm bảo thực thi quyền tiếp cận thông tin và kinh nghiệm cho Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh nêu lên những thách thức trong đảm bảo thực thi Luật tiếp cận thông tin
Phó Giáo sư sử dụng hệ quy chiếu của xã hội và một số vấn đề pháp lý để xem xét Luật tiếp cận thông tin, từ đó chỉ ra hai nhóm thách thức lớn đối với dự thảo Luật này là: điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa của Việt Nam và Luật tiếp cận thông tin được đặt trong các mối tương quan như thế nào với các quyền con người hiện nay.
Phó Giáo sư nhận thấy trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, chúng ta mới chỉ điều chỉnh việc tiếp cận thông tin chứ chưa điều chỉnh việc xử lý thông tin. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, cung cấp và tiếp cận thông tin là một quá trình đòi hỏi tương tác, hợp tác từ cả 2 phía cung cấp và phía tiếp cận thông tin. Nếu chỉ thiên về quyền được cung cấp thông tin thì sẽ bị mất cân bằng và gây ra khó khăn trong hoạt động cung cấp thông tin.
Thông qua hội thảo lần này, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã phần nào đóng góp được ý kiến của mình để giúp dự thảo Luật tiếp cận thông tin sớm được hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, hướng tới tương lai mọi người đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin.
GS. TS. Phạm Hồng Thái, Bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính đóng góp ý kiến
GS.TS Nguyễn Đăng Dung trả lời thắc mắc của các đại biểu
Hội thảo kết thúc thành công với sự đồng thuận của các đại biểu về ý kiến đóng góp của các chuyên gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn